Nếu như trước đây thoát vị đĩa đệm thường chỉ gặp ở những người ở độ tuổi trung niên thì nay bệnh đang có xu hướng ngày một trẻ hóa, nhất là ở đối tượng nhân viên văn phòng. vậy nguyên nhân của thoát vị đĩa đệm là gì? đối tượng nào đang có nguy cơ cao? triệu chứng của bệnh và các phương pháp điều trị hiện nay ra sao? làm thế nào để phòng tránh?
Tổng quan về thoát vị đĩa đệm
Đĩa đệm nằm ở khe giữa hai đốt sống, có hình dạng giống như một chiếc bánh donut, được tạo thành từ collagen, nước và proteoglycan. Phần trung tâm đĩa đệm là nhân nhày có tính đàn hồi cao, phần ngoại vi là bao xơ được cấu tạo gồm nhiều vòng sợi sụn đan đồng tâm theo chiều ngang và chếch theo chiều đứng.
Nhờ có tính đàn hồi, đĩa đệm làm nhiệm vụ như một chiếc giảm xóc, bảo vệ cột sống khỏi các chấn thương như ngã ngồi, khiêng mang vác đồ vật nặng, các động tác vặn người,… Ở những người trên 30 tuổi, quá trình sinh tổng hợp collagen giảm, những chấn thương nhỏ gặp phải khi sinh hoạt, làm việc trong nhiều năm tích tụ dần trở thành một chấn thương lớn. Lúc này đĩa đệm thường giảm đi tính mềm mại, nhân nhày có thể bị khô, các vòng sụn bên ngoài xơ hóa, rạn nứt và có thể rách.
Thoát vị đĩa đệm là một thuật ngữ thường được sử dụng khi xét nghiệm hình ảnh (MRI) cho thấy nhân nhày đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí sinh lý thông thường, chèn ép vào rễ thần kinh hoặc tủy sống gây ra các biểu hiện đau nhức, tê bì, yếu cơ…
Các giai đoạn của thoát vị đĩa đệm
Trên lý thuyết thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ đốt sống nào trong 24 đốt sống của con người. Tuy nhiên, nguy cơ mắc của các đốt sống là khác nhau, thường gặp nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L4 L5 và cột sống cổ C6-C7. Tùy thuộc mức độ biểu hiện bệnh trên lâm sàng và hình ảnh MRI có thể phân thoát vị đĩa đệm ra làm 4 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: Đĩa đệm bè rộng ra xung quanh làm lõm bờ trước ống sống gây cản trở lưu thông dịch não tủy, nhân nhày có xu hướng biến dạng, nguyên nhân là do yếu bao xơ và dây chằng dọc sau. Giai đoạn này thường khó phát hiện do những cơn đau không rõ ràng.
- Giai đoạn 2: Bao xơ rách một phần, nhân nhày chui ra ngoài qua chỗ bị suy yếu tạo thành ổ lồi khu trú, giai đoạn này bắt đầu gây ra sự chèn ép dây thần kinh nên bệnh nhân có thể gặp phải những cơn đau dữ dội.
- Giai đoạn 3: Bao xơ đã bị rách hoàn toàn, khối thoát vị đã chui qua vòng xơ nhưng vẫn còn dính liền với phần nhân nhày nằm trước dây chằng dọc sau. Khối thoát vị chèn ép vào rễ thần kinh gây ra những cơn đau dữ dội, người mệt mỏi, rối loạn cảm giác, rối loạn dây thần kinh thực vật, vận động, đi lại khó khăn.
- Giai đoạn 4: Một phần khối thoát vị tách ra khỏi phần đĩa đệm gốc tạo thành mảnh rời, Mảnh rời thường nằm ngoài màng cứng nhưng đôi khi xuyên qua màng cứng gây chèn ép tủy dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng và nguy cơ liệt nửa người vĩnh viễn.
Phân loại thoát vị đĩa đệm
- Thoát vị lên trên, xuống dưới vào thân đốt sống (kiểu Schmorl): hay còn gọi là thoát vị nội xốp
- Thoát vị thể trung tâm: khối thoát vị chèn ép vào tủy sống
- Thoát vị thể cạnh trung tâm: khối thoát vị chèn ép vào cả rễ thần kinh và tủy sống
- Thoát vị cạnh bên: chèn ép vào rễ thần kinh
- Thoát vị ra trước: rất hiếm gặp, thường không có triệu chứng
Nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc thoát vị đĩa đệm
- Người cao tuổi
- Người thường xuyên phải bê vác đồ nặng
- Người có đặc thù công việc phải đứng lâu, ngồi nhiều như: nhân viên văn phòng, tài xế, nhân viên thu ngân, lễ tân, nhân viên bán hàng, giáo viên, giảng viên…
- Người thường xuyên phải hoạt động mạnh, thay đổi tư thế liên tục như: vận động viên, diễn viên múa…
- Người có thói quen sinh hoạt kém khoa học, thừa cân, béo phì…đều có nguy cơ cao mắc thoát vị đĩa đệm
- Người mắc các bệnh lý cột sống bẩm sinh hoặc mắc phải như: gù vẹo, gai đôi, bất thường giải phẫu đốt sống
Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm
Nguyên nhân phổ biến nhất của thoát vị đĩa đệm là một quá trình thoái hóa, tuổi càng cao thì nhân nhày càng bị mất nước và yếu đi, sự biến đổi cấu trúc sinh lý của cột sống cũng làm tăng áp lực lên đốt sống và đĩa đệm. Quá trình này sẽ dẫn đến thoát vị đĩa đệm tiến triển và có thể gây ra các triệu chứng. Nguyên nhân phổ biến thứ hai của thoát vị đĩa đệm là chấn thương. Các nguyên nhân khác bao gồm rối loạn mô liên kết và rối loạn bẩm sinh. Thoát vị đĩa đệm thường gặp nhất ở cột sống thắt lưng, sau đó là cột sống cổ. Tỷ lệ thoát vị đĩa đệm ở cột sống thắt lưng và cột sống cổ cao hơn do các lực cơ sinh học ở phần linh hoạt của cột sống
Một số yếu tố nguy cơ dẫn tới thoát vị
- Do thói quen xấu: Sinh hoạt, lao động, làm việc gắng sức hoặc sai tư thế tạo ra các vi trấn thương làm sai lệch cấu trúc cột sống và tổn thương đĩa đệm. Ví dụ: đi giày cao gót, để ví sau túi quần, ngồi vắt chân chữ ngũ, nâng đồ vật không đúng cách, thường xuyên ngồi làm việc vẹo người sang một bên, vừa ngồi vừa gác một chân lên ghế, để màn hình máy tính quá thấp, cúi cổ quá lâu khi dùng điện thoại…
- Tuổi và giới tính: Tuổi càng cao thì quá trình lão hóa diễn ra càng nhanh, sự hấp thu các chất dinh dưỡng giảm, quá trình tổng hợp collagen giảm làm vòng sụn bên ngoài xơ hóa, lượng nước và tính đàn hồi bên trong nhân nhầy giảm đi và rất dễ bị tổn thương. Ngoài ra nam giới có nguy cơ mắc thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng gấp 2 lần so với nữ
- Chấn thương: Lực tác động mạnh tới vùng lưng trong các trường hợp như tai nạn lao động, tai nạn giao thông, chấn thương thể thao đều làm thay đổi cấu trúc, vị trí đốt sống và đĩa đệm, tăng nguy cơ thoát vị.
- Các bệnh lý bẩm sinh hoặc mắc phải: Dị dạng đốt sống, gai đôi, thoái hóa cột sống, gù vẹo…
- Thừa cân, béo phì: Cột sống có tác dụng nâng đỡ các bộ phận trên cơ thể, do đó thừa cân, béo phì làm tăng áp lực lên cột sống, đĩa đệm, tăng nguy cơ thoát vị. Đồng thời thừa cân cũng làm tăng gấp 12 lần nguy cơ tái phát sau điều trị.
- Hút thuốc: Các nghiên cứu cho thấy nicotin có trong khói thuốc làm giảm lưu lượng máu tới đĩa đệm, tăng tốc độ thoái hóa và chậm lành các tổn thương.
- Chế độ ăn: Ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên sử dụng rượu bia, chất kích thích cũng làm tăng nguy cơ hình thành thoát vị đĩa đệm.
- Yếu tố di truyền: Tiền sử trong gia đình có người từng mắc các bệnh lý về cột sống, đĩa đệm thì tỷ lệ mắc thoát vị cũng cao hơn.
Những sai lệch cấu trúc và các yếu tố bất lợi kể trên sẽ làm thương tổn tới cột sống, đĩa đệm trong nhiều năm, làm các đốt sống và đĩa đệm bị thoái hóa. Đến một thời điểm nếu có một lực tác động mạnh vào cột sống (chấn thương, gắng sức…), nhất là động tác cúi xuống nâng vật nặng, các vòng sụn sẽ bị rách, nhân nhày có thể qua chỗ rách của đĩa đệm thoát ra ngoài chui vào ống sống hình thành khối thoát vị.
Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm
Cũng giống như một số bệnh lý cơ xương khớp khác, giai đoạn đầu của thoát vị đĩa đệm thường không có triệu chứng điển hình, nhiều người khi chụp MRI trên phim có hình ảnh phình lồi đĩa đệm nhưng họ hoàn toàn không thấy khó chịu. Thông thường người bệnh chỉ biết được tình trạng của mình khi đi khám tổng quát hoặc khi bệnh đã chuyển nặng, có biểu hiện chèn ép rễ thần kinh.
Tùy theo vị trí thoát vị và giai đoạn của bệnh mà có các triệu chứng cơ năng sau:
Triệu chứng của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
- Đau nhức mỏi cổ vai gáy lan lên vùng chẩm hoặc xuống bả vai, cánh tay, đau tăng khi nghiêng, xoay, ngửa cổ hoặc khi lái xe
- Hạn chế vận động cột sống cổ, co cứng cơ cạnh cột sống.
- Cảm giác tê, buốt, như có dòng điện lăn tăn chạy dọc xuống vai, cánh tay, các đầu ngón tay
- Có thể kèm theo các biểu hiện đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mất ngủ, hay quên khi có vấn để ở C1C2
- Khi khối thoát vị chèn ép vào tủy sống có thể gây yếu một bên tay hoặc nửa người, nếu để lâu có thể dẫn tới teo cơ, mất trương lực cơ
- Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C3,C4 có thể gây cảm giác đau tức vùng ngực, ho, nấc, khó thở.
Triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
- Đau cột sống thắt lưng, cơn đau có thể âm ỉ kéo dài vài ngày, vài tuần hoặc có thể xuất hiện đột ngột, dữ dội sau một động tác sai tư thế hoặc mang vác đồ quá sức, về sau khi có động tác gắng sức tương tự thì cơn đau lại tái phát
- Đau lan có thể kèm theo nhói buốt, tê cứng chạy dọc từ hông, mông xuống đùi, cẳng chân và cả bàn chân tùy theo vị trí thoát vị
- Đau tăng khi đứng, đi lại, nhói đau khi ngồi xe đi qua chỗ xóc, ho, hắt hơi, rặn khi đại tiện đau tăng, người bệnh có xu hướng đứng vẹo một bên để giảm đau
- Hạn chế vận động cột sống thắt lưng, cảm giác cơ cạnh cột sống lưng co cứng.
Phương pháp chẩn đoán thoát vị đĩa đệm
Trong quá trình thăm khám bác sĩ có thể hỏi về tiền sử bệnh, các triệu chứng cơ năng, kiểm tra các điểm đau, mức độ co cứng các cơ, cho bệnh nhân làm các xét nghiệm cận lâm sàng hay yêu cầu bệnh nhân làm các nghiệm pháp test để xác định có sự chèn ép thần kinh hay không? Tùy thuộc nguyên nhân, mức độ và giai đoạn bệnh, thoát vị đĩa đệm có thể có ít nhiều những triệu chứng và hội chứng sau đây.
Chẩn đoán lâm sàng
Hội chứng cột sống
- Đau cột sống: cơn đau có thể đến đột ngột hoặc từ từ, chủ yếu tập trung ở một số đốt sống nhất định, đau có tính chất cơ học.
- Giảm tầm vận động của cột sống như cúi, ngửa, nghiêng, xoay
- Cột sống biến dạng: có thể thay đổi đường cong sinh lý của cột sống, lệch vẹo cột sống, gù,… tùy theo tình trạng tổn thương.
- Cơ cạnh sống co cứng, ấn có điểm đau cột sống
Hội chứng chèn ép rễ thần kinh
- Đau lan theo hướng đi của dây thần kinh, ngoài đau có thể kèm theo cảm giác tê bì, căng buốt
- Ấn có điểm đau cạnh cột sống, dấu hiệu chuông bấm
- Rối loạn, giảm phản xạ gân cơ tùy theo vùng bệnh lý
- Tùy theo vị trí chèn ép mà có các nghiệm pháp thăm khám khác nhau như:
- Đối với cột sống cổ: nghiệm pháp Spurling, nghiệm pháp căng rễ thần kinh, nghiệm pháp trùng rễ thần kinh, nghiệm pháp kéo giãn cột sống cổ
- Đối với cột sống thắt lưng: hệ thống điểm valleix, nghiệm pháp laségue, dấu hiệu Neri, Déjerine, Siccar, Bonnet, Wassermann…
Hội chứng chèn ép tủy (myelopathy)
Dáng đi không vững, đi lại khó khăn, yếu hoặc liệt chi, teo cơ ngọn chi, dị cảm. Tăng phản xạ gân xương.
Chẩn đoán cận lâm sàng
- X-Quang thường quy: Giúp thấy được những thay đổi cấu trúc cột sống như lệch, vẹo, gù, giảm đường cong sinh lý cột sống, giảm chiều cao tầng đĩa đệm, tình trạng bán trật đốt sống và một số bất thường cột sống khác (trên phim x-quang không thể thấy được hình ảnh khối thoát vị)
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): là xét nghiệm có độ chính xác cao để chẩn đoán xác định vị trí thoát vị. Trên phim có thể xác định được thoát vị ra trước, ra sau, sang hai bên hoặc thoát vị nội xốp, tương ứng với định khu trên lâm sàng
- Chụp bao rễ cản quang: Đây là phương pháp cho thấy hình ảnh gián tiếp của thoát vị đĩa đệm bằng hình ảnh hẹp ống sống, lỗ tiếp hợp, song không phân biệt được chèn ép do các nguyên nhân khác nên thường chỉ được dùng cho trường hợp nghi ngờ nhưng không thể chụp MRI.
- Chụp cắt lớp (CT): Có giá trị trong các trường hợp thoát vị đĩa đệm có thoái hóa cột sống, vôi hóa dây chằng dọc sau, dày dây chằng vàng.
- Các thăm dò khác: Điện cơ đồ và đo thời trị dây thần kinh cho phép chẩn đoán vị trí của thoát vị đĩa đệm.
Các phương pháp chữa bệnh thoát vị đĩa đệm
Quá trình hình thành thoát vị thường kéo dài nhiều năm, do đó cần có thời gian để cơ thể chữa lành và hồi phục. Để thu được kết quả điều trị tích cực như mong muốn, người bệnh cần kiên trì chữa bệnh ít nhất vài tháng.
Hiện nay việc chữa thoát vị đĩa đệm có thể dùng nhiều biện pháp khác nhau như điều trị nội khoa, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, nắn chỉnh cột sống, phẫu thuật, thay đổi lối sống, mỗi phương pháp này đều có những ưu nhược điểm khác nhau.
Điều trị nội khoa bằng thuốc
Đây là phương pháp chữa thoát vị đĩa đệm được đa số các bệnh viện sử dụng cho bệnh nhân ở thể nhẹ. Tùy thuộc vào mức độ đau bệnh nhân có thể được kê các loại thuốc giảm đau chống viêm NSAIDs như Meloxicam (Mobic), Pirocecam (Felden),…Kết hợp với thuốc giãn cơ như Myonal, Mydocalm
- Ưu điểm: Giảm đau nhanh, không tốn nhiều thời gian vào việc điều trị
- Nhược điểm: Chỉ là phương pháp điều trị giảm đau tạm thời, sẽ bị nhờn thuốc nếu điều trị kéo dài, có nhiều tác dụng phụ như viêm loét dạ dày, suy gan, thận.
Tiêm giảm đau ngoài màng cứng corticosteroids
Đây là một thủ thuật xấm lấn tối thiểu thường được sử dụng trong trường hợp nặng, thuốc được tiêm vào khoang ngoài màng cứng với mục đích giảm đau, chống viêm nhanh và mạnh.
- Ưu điểm: Giảm đau nhanh, không tốn thời gian điều trị
- Nhược điểm: Vẫn chỉ có tác dụng chữa trị tạm thời, tiềm ẩn nhiều nguy cơ như nhiễm trùng, tổn thương thần kinh, thủng màng cứng…
Chữa thoát vị đĩa đệm bằng thuốc đông y
Y học cổ truyền nhìn nhận các bệnh lý theo một hệ quy chiếu riêng, việc sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền trong chữa trị thoát vị không chỉ có tác dụng giảm đau tạm thời mà còn có tác dụng nâng cao thể trạng toàn thân, mạnh gân cốt, phục hồi lại hệ thống cân cơ, dây chằng… rất phù hợp với đối tượng người cao tuổi. Tuy nhiên hiện nay có nhiều đối tượng lợi dụng lòng tin của người bệnh vào các loại thuốc nguồn gốc tự nhiên mà quảng cáo sai sự thật, hoặc trộn các loại thuốc giảm đau corticoid vào thuốc để giảm đau nhanh.
- Ưu điểm: Chi phí điều trị thấp, không tốn quá nhiều thời gian vào điều trị
- Nhược điểm: Thuốc thường khó uống, cần điều trị một thời gian dài mới thấy rõ được hiệu quả.
Châm cứu chữa thoát vị đĩa đệm
Châm cứu là một trong những phương pháp chữa thoát vị không dùng thuốc rất hiệu quả trong việc cắt các cơn đau, cảm giác tê buốt, khó chịu. Phương pháp này cũng có tác dụng làm mạnh gân cốt, nâng cao thể trạng toàn thân.
- Ưu điểm: Không dùng thuốc, cắt cơn đau nhanh
- Nhược điểm: Châm kim có cảm giác đau, thời gian điều trị mỗi buổi châm cứu thường kéo dài 30’ – 1 tiếng
Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng
Bao gồm chườm nóng, chườm đá, thủy trị liệu, siêu âm, sóng ngắn, laser trị liệu, kích thích điện, kéo giãn bằng máy, các bài tập trị liệu, đeo đai. Các phương pháp này đều có tác dụng tốt trong việc điều trị
Phẫu Thuật
Hầu hết các trường hợp thoát vị đĩa đệm đều không cần phẫu thuật, các triệu chứng của thoát vị nếu điều trị đúng hướng thì sẽ cải thiện nhanh chóng. Chỉ khi điều trị nội khoa không kết quả, hay có liệt teo cơ, rối loạn cơ vòng mới cần tới phẫu thuật. Phương pháp phẫu thuật điều trị thoát vị phổ biến là cắt bỏ đĩa đệm bị thoát vị, giải phóng lỗ liên hợp, thay thế đĩa đệm nhân tạo
Nắn chỉnh cột sống chiropractic
Được hiểu như một phương pháp điều trị tự nhiên, không dung thuốc, tập trung vào việc phòng ngừa, chẩn đoán, chăm sóc và bảo tồn các rối loạn liên quan đến sai lệch cấu trúc cột sống. Nắn chỉnh giúp đưa các đốt sống bị bán trật về đúng vị trí qua đó làm giảm áp lực đĩa đệm, giảm chèn ép thần kinh.
Các khảo sát cho thấy có khoảng 22 triệu người mỹ được trị liệu bằng nắn chỉnh cột sống mỗi năm, >80% bệnh nhân tại Mỹ và châu Âu cảm thấy hiệu quả rõ rệt, chất lượng cuộc sống được nâng cao sau khi điều trị bằng nắn chỉnh.
Ocean Healthcare dưới sự hợp tác điều trị từ chiropractor Vũ Như Đạt (người Việt Nam đầu tiên có bằng bác sĩ chiropractic với hơn 40 năm kinh nghiệm điều trị tại Texas Mỹ) là một trong những cơ sở đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng phương pháp nắn chỉnh cột sống chiropractic của mỹ vào điều trị các bệnh lý thần kinh, cột sống, cơ xương khớp tại Việt Nam.
Biến chứng khi không chữa thoát vị đĩa đệm kịp thời
Tàn phế suốt đời
- Trong trường hợp thoát vị có chèn ép tủy cổ nếu không được điều trị kịp thời có thể gây liệt toàn thân, nếu là vùng cột sống thắt lưng có thể gây liệt 2 chi dưới.
- Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của thoát vị đĩa đệm, người bệnh sẽ mất hoàn toàn khả năng vận động, đi lại và chỉ có thể nằm một chỗ, toàn bộ sinh hoạt chỉ có thể phụ thuộc vào người thân.
Teo cơ, giảm trương lực cơ
Thoát vị chèn ép làm giảm tín hiệu thần kinh tới cơ chi phối, dẫn tới giảm trương lực cơ, lâu ngày dẫn tới teo cơ làm người bệnh mất khả năng lao động, sinh hoạt khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và cuộc sống.
Rối loạn, mất cảm giác
Mỗi rễ thần kinh cảm giác đều chi phối cảm giác cho một vùng cơ thể nhất định, khi bị chèn ép bệnh nhân thường rối loạn hoặc mất cảm giác nóng lạnh, tê bì chân tay.
Rối loạn cơ tròn
Đối với trường hợp thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng nặng, khối thoát vị chèn ép vào đám rối thần kinh đuôi ngựa khiến cơ vòng tiết niệu và hậu môn bị giảm trương lực gây rối loạn cơ tròn với biểu hiện là đái tiểu tiện không tự chủ, Đây là một tình trạng nguy hiểm và cần được điều trị ngay lập tức. Nếu chậm trễ người bệnh có thể bị tổn thương vĩnh viễn.
Các biện pháp phòng ngừa thoát vị đĩa đệm
- Tập thể dục khoa học và đều đặn: Thái cực quyền, gym, yoga, thể thao, đi bộ, đặc biệt là treo xà và bơi nội là những bộ môn giúp tăng cường sự dẻo giai và hỗ trợ rất tốt cho người bị thoát vị. Lưu ý rằng trước khi tập cần phải khởi động kỹ tránh chấn thương không đáng có
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý, chỉ số BMI nằm trong khoảng 18,5-22,9
- Ngồi làm việc giữ thẳng lưng, sau khoảng 30’- 1 giờ phải đứng dậy đi lại, tập vài động tác nhẹ, để màn hình máy tính ngang tầm mắt, không cúi quá lâu khi dùng điện thoại, không để ví sau túi, không ngồi vắt chân…
- Không mang vác, nâng vật nặng quá sức, sai tư thế
- Thường xuyên tắm nắng: mỗi ngày tắm nắng 15 phút, thời gian tắm nắng tốt nhất thừ 9h30’ sáng tới 15h30’ chiều.
- Chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung vitamin D3+K2, vitamin C
- Không dùng các chất kích thích, hạn chế rượu bia, thuốc lá. Thực tế cho thấy những đối tượng thường xuyên sử dụng ma túy, hút cần, thường không đáp ứng với các phương pháp điều trị do thần kinh bị hủy hoại.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp sớm phát hiện và điều trị
Một số câu hỏi thường gặp
Thoát vị đĩa đệm có chữa khỏi được không ?
Nếu phát hiện và chữa trị sớm có thể khỏi hoàn toàn và không tái phát. chữa trị để cắt các cơn đau do thoát vị thường nhanh, tuy nhiên hết đau chưa phải là hết bệnh. Giống như một vết thương trên da, để cầm máu chỉ mất vài giây, nhưng để lành lặn lại thì mất cả tuần, đĩa đệm muốn lành lại cũng vậy nhưng sẽ cần nhiều thời gian hơn, thường sẽ cần ít nhất 6 tháng. Do đó bệnh nhân cần kiên trì tuân thủ điều trị, đặc biệt là thay đổi các thói quen xấu, xây dựng các thói quen sinh hoạt tốt thì bệnh mới có thể khỏi hoàn toàn.
Đau lưng, thoát vị đĩa đệm có quan hệ vợ chồng được không ?
Có thể quan hệ vợ chồng được nhưng cần hạn chế, một tuần chỉ nên quan hệ 1-2 lần.
Thay đổi các tư thế tránh sử dụng tới phần lưng: tư thế kiểu truyền thống sử dụng phần cột sống thắt lưng rất nhiều với tốc độ cao trong thời gian ngắn, điều này cũng giống như tập luyện mà không khỏi động sẽ dẫn tới chấn thương đĩa đệm
Khi quan hệ nam giới thường mất đi phần tinh (theo y học cổ truyền), theo y học hiện đại đó là các vi chất, nguyên tố vi lượng do đó kinh nghiệm của người xưa khuyên: sau khi quan hệ có thể húp sống lòng đỏ trứng gà ta, hoặc bổ sung bằng ăn hàu biển, động vật có vỏ như tôm, cua, ghẹ…
Có nên tự chữa thoát vị đĩa đệm tại nhà không ?
Bất kỳ một bệnh lý nào đều cần được thăm khám, kết luận và chỉ định điều trị bởi bác sĩ có chuyên môn, do đó không có bất kỳ phương pháp tự chữa thoát vị đĩa đệm tại nhà nào có thể dứt điểm được bệnh. Việc tin và làm theo các bài tập được hướng dẫn trên mạng chỉ đúng khi đã được sự tư vấn và đồng ý từ bác sĩ điều trị.
bài viết liên quan